1. Tuyến đường Việt Nam – Châu Âu
Từ Việt Nam tàu xuất phát đi theo biển Đông sau đó qua Singapore (tàu thường ghé vào đây mua nhiên liệu, giấy tờ,…) vào vùng quần đảo Malaixia, qua Ấn Độ Dương vào Biển Đỏ, tàu tiếp tục qua kênh Suez vào Địa Trung Hải, từ đây tàu có thể đi Ý, Bungari, Pháp,…Tàu có thể qua eo Ixtanbul vào cảng Costanza, Vacna, Odessa. Tàu muốn tới các nước Bắc Âu thì phải qua eo Gibranta sang Đại Tây Dương, tàu tiếp tục qua kênh Kiel vào vùng biển Bantic, từ đó tàu sẽ tới các cảng của Phần Lan, Đức, Thụy Điển, Ba Lan,…
Các khu vực tàu đi qua có những đặc điểm sau:
* Khu vực châu Âu:
Trên thế giới không có châu lục nào có bờ biển cắt xẻ nhiều bằng châu Âu. Bờ biển ở khu vực này khúc khuỷu và lồi lõm tạo ra những vùng kín gió thuận lợi cho hành hải, trú ẩn và thiết lập các cảng biển. Thủy triều đều đặn, mực nước lớn tạo độ sâu cho tàu vào cảng. Phía Nam châu Âu có biển Địa Trung Hải, đây là một biển sâu và nóng, cấu tạo bờ biển, địa lý và khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền hoạt động.
Vùng biển Bantíc địa hình không thuận lợi cho hành hải, biển không sâu, có nhiều chướng ngại vật chưa được nghiên cứu và định vị trên hải đồ do đó dễ xảy ra tai nạn. Ở phía Bắc của biển cửa eo hẹp, nông, dòng chảy không ổn định gây khó khăn cho sự đi lại, hoạt động của tàu bè. Về mùa đông biển Bantíc đóng băng 2/3 diện tích mặt biển, ảnh hưởng đến thời gian khai thác của tàu.
Biển Bắc: Mặc dù vùng này có mật độ tàu hoạt động cao nhưng điều kiện của biển kém thuận lợi, luồng vào các cảng ở vùng này thường xuyên phải nạo vét nhưng biên độ thủy triều lớn, sương mù hầu như bao phủ quanh năm gây khó khăn cho tàu qua lại vùng này. Về mùa đông lại có bão tuyết cản trở sự đi lại của tàu.
* Khu vực châu Á và Ấn Độ Dương.
Gió mùa là nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến khu vực này, đồng thời vùng này cũng mưa nhiều, lượng mưa từ 2000 đến 3000 mm, thường có bão. Bão mùa thu từ tháng 7 đến tháng 11, thường di chuyển theo hướng Bắc và Tây Bắc (vùng bán đảo Ấn Độ, Inđônêxia). Bão mùa đông từ tháng 1 đến tháng 3 xuất hiện ở vùng Ấn Độ Dương và Malaixia.
* Eo và kênh trên tuyến:
Trên tuyến tàu phải hành hải qua các eo:
+ Malacka thông từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương.
+ Gibranta thông từ Địa Trung Hải sang Đại Tây Dương.
Các eo này cho phép tàu qua lại dễ dàng
+ Kênh Suez nối biển Đỏ với Địa Trung Hải.
+ Kênh Kiel nối biển Bắc với biển Bantic.
Các kênh này cho phép các tàu có mớn nước trên 10m qua lại được
2. Tuyến đường Việt Nam – Hồng Kông – Nhật Bản.
Tuyến đường Việt Nam – Hồng Kông là một trong những tuyến đường mở sớm nhất của nước ta. Tàu từ Hải Phòng đi Hồng Kông phải vòng xuống dưới eo Hải Nam xa thêm 180 hải lý.
Điều kiện tự nhiên của vùng biển Hồng Kông tương tự như vùng biển Việt Nam là chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thủy triều đều đặn, các dòng hải lưu rất ít ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu, song vì đi lên phía Bắc nên chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc. Ở vùng biển này mưa tập trung vào tháng 6, 7. Lượng mưa trung bình là 1964 mm. Gió mùa Đông Bắc từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, thường từ cấp 5 đến cấp 7. Tại vùng biển Đông có thể xuất hiện bão đột ngột, từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau thường có sương mù, tàu hành trình khó khăn.
Ở vùng biển này chịu ảnh hưởng của dòng hải lưu nóng chảy từ bờ biển châu Á lên phía Bắc rồi theo bờ biển về châu Mỹ quay về xích đạo tạo thành một vòng kín và dòng hải lưu lạnh chảy ngược từ Bắc Mỹ về phía Nam theo bờ biển châu Á. Do các dong hải lưu mà tốc độ tàu cũng ảnh hưởng.
+ Vùng biển Nhật Bản thường có gió mùa Đông Bắc vào tháng 8, 9 gây nên biển động, gió thường cấp 8, 9. Bão ở đây thường xuất hiện từ quần đảo Philippin. Thời gian ảnh hưởng của một trận bão khoảng 5 ngày. Hàng năm khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, 9 thường xuất hiện những cơn bão lớn mỗi tháng từ 2 đến 4 cơn, bão gây nguy hiểm cho tàu hoạt động trên biển.
Vùng biển Nhật Bản chịu ảnh hưởng của chế độ nhật triều với biên độ dao động khoảng 2 m và cũng chịu ảnh hưởng của hai dòng hải lưu như vùng biển Hồng Kông.
Qua Hồng Kông từ vùng Đông Hải phía trên đảo Đài Loan về mùa đông chịu ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, của sóng nên tốc độ của tàu thường chậm lại, nếu đi xuôi dòng hải lưu và xuôi gió tốc độ tăng lên khoảng 3 hải lý một giờ.
3. Tuyến Hải Phòng – Sài Gòn:
Được chia thành các đoạn sau:
+ Từ Hải Phòng, Quảng Ninh – Thanh Hóa: Vùng biển này chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam. Từ tháng 1 đến tháng 3 hướng gió thịnh hành là Đông Bắc. Từ cuối tháng 3 đến tháng 7 chuyển dần thành Đông và Đông Nam. Những đợt gió mùa Đông Bắc mạnh thì tốc độ gió đạt tới 24 m/s, ảnh hưởng nhiều đến tốc độ vận hành của tàu. Từ tháng 5, 6 thường có bão, tốc độ gió trong bão đạt từ 35-40 m/s, sang tháng 7, 8, 9 bão hoạt động mạnh (chiếm 78% số cơn bão trong cả năm), từ tháng 9 đến tháng 12 có gió mùa Đông Bắc ít nhiều cũng có ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu.
Vùng biển này chia ra mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau trong đó từ tháng 2 đến tháng 4 thường có mưa phùn làm giảm tầm nhìn của tàu. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 chủ yếu do bão và dải hội tụ nhiệt đới gây ra. Về mùa đông vùng biển này thường có sương mù, nhất là vào buổi sáng và chiều tối làm ảnh hưởng đến tầm nhìn của tàu.
Về thủy triều mang tính chất nhật triều thuần nhất. Càng về phía Nam tính chất nhật triều không thuần nhất càng tăng, biên độ thủy triều không lớn lắm, thường từ 0,5 đến 3,6 m, biên độ này giảm dần từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa.
Sóng có hướng và chiều cao theo mùa, nhưng trung bình chiều cao sóng từ 0,7 đến 1,0 m, khi có bão có thể lên tới 6,0 m. Sóng làm giảm tốc độ tàu đồng thời còn gây nguy hiểm cho tàu.
Ngoài khơi vịnh Bắc Bộ về cơ bản thời tiết khí hậu cũng chịu tác động thời tiết như ở vùng ven bờ nhưng đặc trưng các yếu tố khí tượng hải văn ổn định hơn và có cường độ mạnh hơn.
+ Vùng biển từ Nghệ An đến Bình Trị Thiên.
Vùng biển này mùa đông từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau gió có hướng Bắc và Tây Bắc không mạnh lắm, ít ảnh hưởng đến tốc độ tàu; còn mùa từ tháng 5 đến tháng 9 hướng gió thịnh hành là Nam và Tây Nam.
Mùa bão từ tháng 8 đến tháng 10 thường gây ra mưa lớn và lũ đột ngột ảnh hưởng đến tốc độ tàu.
Vùng biển này có chế độ thủy triều phức tạp, chủ yếu là chế độ bán nhật triều.
Dòng chảy ở vùng biển này từ tháng 1 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 dòng chảy theo hướng Tây Bắc và Đông Nam với tốc độ 0,5 đến 1,0 HL/h, còn từ tháng 6 đến tháng 8 dòng chảy theo hướng ngược lại với vận tốc 0,4 đến 0,6 HL/h.
+ Vùng biển từ Quảng Nam, Đà Nẵng đến Phú Khánh.
Các yếu tố khí tượng hải văn gần tương tự như vùng biển trên nhưng về mùa đông nhiệt độ vùng này cao hơn do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc đến vùng biển này yếu hơn.
+ Vùng biển từ Thuận Hải đến Minh Hải.
Vùng biển này các yếu tố khí tượng, hải văn mang tính chất xích đạo rõ rệt.
Chế độ thủy triều là nhật triều, có biên độ dao động lớn. Về gió ít ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu.
4. Tuyến Việt Nam – Đông Nam Á.
Vùng biển Đông Nam Á nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, đặc biệt là mưa rất nhiều, chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa và khu vực này nằm trong vùng nhiệt đới và xích đạo. Khí hậu vùng biển này mang đặc điểm tương tự như vùng biển Việt Nam, cụ thể:
Từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, càng về Nam thì gió giảm dần không ảnh hưởng đến sự đi lại của tàu thuyền.
Từ tháng 6 đến tháng 9 gió mùa Đông Nam thổi mạnh ảnh hưởng đến tốc độ tàu đồng thời vào mùa này lượng mưa khá lớn, hơn nữa vùng này nhiều bão nhất là vùng quần đảo Philippin.
Về sương mù: Ở vùng biển này vào sáng sớm và chiều tối có nhiều sương mù. Số ngày có sương mù trong năm lên tới 115 ngày.